Xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh: Các Bộ xấu đều, không có tốt lỏi
Bộ Tài Nguyên-Môi trường đứng cuối bảng về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh năm 2011.

Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) chính thức được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28/12.

MEI đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 Bộ có liên quan chặt chẽ nhất đến hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp.

Các Bộ đang dàn hàng ngang

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trong tổng thể chung không có Bộ yếu kém nhưng cũng không có Bộ khá tốt. Tất cả 14 Bộ đều có điểm tổng hợp nằm ở nửa trên của nhóm trung bình, với Bộ đạt điểm thấp nhất là 51,37/100 điểm, Bộ đạt điểm cao nhất là 59,01/100 điểm. 12 Bộ còn lại có số điểm nằm trong khoảng giữa hai điểm nói trên với điểm trung bình của tất cả các Bộ là 54,53/100 điểm. Bộ Tư pháp đứng đầu danh sách và Bộ Tài nguyên – Môi trường nằm ở đáy bảng. Hai nhóm hoạt động mà các Bộ bị chấm điểm hiệu quả thấp nhất là “lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khi soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật” và “rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật”.

14 Bộ được đánh giá: Công thương; Giao thông – Vận tải; Kế hoạch-Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên – Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Xây dựng, Y tế, Ngân hàng Nhà nước.

MEI được thực hiện năm 2011, đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh năm 2010.

207 Hiệp hội Doanh nghiệp, đại diện cho 419.641 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trả lời điều tra.

Với kết quả này, MEI 2011 đưa ra một bức tranh toàn cảnh tuy không tối nhưng thiếu điểm sáng về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ, trong đó về tổng thể không có Bộ yếu kém nhưng cũng không có Bộ khá, tốt; Giữa các Bộ với nhau, không có Bộ tụt hậu nhưng cũng không có Bộ nổi trội; Giữa các nhóm hoạt động pháp luật của các Bộ, những việc khó hoặc được giám sát chặt chẽ không bị các Bộ bỏ qua nhưng những việc phức tạp hơn, đòi hỏi sự chủ động và thiện chí nhiều hơn của Bộ thì các Bộ lại buông lỏng.

Với đánh giá này, cộng đồng DN đã ghi nhận cố gắng của các Bộ trong việc thực hiện được vừa đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình, nhưng họ chưa nhìn thấy ở các Bộ những nỗ lực cần thiết để thực hiện các công việc của mình một cách hiệu quả.

Nhiều cơ quan Nhà nước bị “điếc” khá nặng

Chia sẻ tại hội thảo này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Tôi vừa  ở TP HCM tham dự khóa tập huấn cho các hiệp hội DN về vận động chính sách. Hầu hết hiệp hội đều nói rằng, làm việc này chán ngán lắm, vì họp hành rất nhiều nhưng được tiếp thu rất ít. Theo cảm nhận của tôi, các cơ quan nhà nước bị bệnh “điếc” khá nặng. Có khi tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến nhưng có tiếp thu ý kiến đó không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Điều này làm cho kết quả tham vấn cũng hạn chế đáng kể”.

Bà Chi Lan cũng khẳng định rõ: Chính vào lúc này và hơn bao giờ hết, các Bộ phải tập trung cao hơn nữa và thực hiện chức năng đích đáng, nhiệm vụ hàng đầu của mình là xây dựng, thiết kế chính sách pháp luật chứ không phải chạy theo dự án đầu tư… “Tiếc rằng, mảng xây dựng pháp luật đối với các Bộ hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Các Bộ đều có Vụ Pháp chế nhưng dường như vai trò của Vụ này lại rất nhỏ so với các vụ khác”.

Thực tế, Nhà nước đầu tư khá nhiều vào việc đào tạo con người và xây dựng hệ thống pháp luật. Không những thế, các tổ chức nước ngoài cũng hỗ trợ các dự án này khá nhiều.

“Năng lực, trình độ, điều kiện được nâng lên như vậy nhưng tại sao hệ thống pháp luật của mình vẫn ở tình trạng “thường thường bậc chung”. Một đất nước muốn phát triển thì không thể hài lòng với hệ thống pháp luật về kinh doanh được đánh giá ở mức độ thế này” – bà Chi Lan khẳng định.

Chỉ số MEI giúp DN cải thiện ý kiến của họ, tăng thêm trách nhiệm đại diện cho tiếng nói của DN của mình về xây dựng pháp luật của đất nước.

Theo MEI, chỉ số được đánh giá thấp nhất là phần tham vấn, lấy ý kiến của các Hiệp hội liên quan để tham gia xây dựng pháp luật. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: “Thực tế, các Hiệp hội chưa có nhiều đóng góp xác đáng và chưa tham gia nhiệt tình vào xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. Đơn cử như việc lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Pháp điển hệ thống văn bản qui phạm pháp luật được đưa dự thảo lên cổng điện tử đã hơn 2 tháng mà không nhận được bất cứ góp ý nào”.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của việc ban hành các luật còn mang tính khung, ống là do hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ chưa hiệu quả”.

Một điểm nữa được bà Chi Lan nhấn mạnh là việc đưa ra các sáng kiến chính sách, luật pháp. Khi đã đưa ra các sáng kiến cần xác định rõ mục tiêu đưa ra chính sách này để làm gì.

“Tôi rất tiếc là trong nhiều Luật, kể cả chương trình Quốc hội đưa ra hàng năm có những luật không thực sự thuyết phục. Trong khi có những cái cần thiết nhưng vì đã thông qua một chương trình khung rồi nên không thể đưa ra được nữa. Câu chuyện này, nếu không có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp thì rất dễ Luật được đưa ra vì nhóm lợi ích nào đó chứ không phải phục vụ lợi ích của đông đảo DN”.

MEI 2011 cho thấy, thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển, rất cần nhiều nỗ lực cải cách từ tất cả các Bộ, ở tất cả các khía cạnh của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật. Những nỗ lực này không chỉ trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn pháp luật mà còn cả những chuyển biến cơ bản trong quan điểm của các Bộ, đặc biệt về thực hành dân chủ, phối hợp công – tư cũng như hiệu quả thực chất trong các hoạt động này./.

Vũ Hạnh
Nguồn: Báo điện tử VOV online