Đã chấm điểm, có thi thố dĩ nhiên có thứ hạng trên dưới, nhưng mục đích của chấm điểm không phải là ai thắng ai, mà cùng nhau thúc đẩy sự tiến bộ. Nếu không có các cuộc “thi thố” này, sẽ không biết mình là ai vì không có tấm gương soi, ai cũng nghĩ mình hay, mình đẹp, mình tốt. Sự trì trệ, bảo thủ, lạc hậu sẽ có đất sống nếu như không có sự cạnh tranh, không có những đỉnh cao khác và những chân dung đẹp hơn để so sánh.

Công bố chỉ số MEI và các hoạt động tương tự như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chất lượng ban hành chính sách và thực thi chính sách, hiệu quả chính sách của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể ban hành chính sách cũng chỉ vì mục tiêu phát triển đất nước.

Sẽ không có sự thỏa mãn tuyệt đối trong mỗi lần công bố chỉ số, bởi vì cuộc sống luôn luôn đòi hỏi sự tiến bộ. Sự nỗ lực nâng cao thứ hạng hằng năm của các bộ, địa phương bản thân đã là sự tích cực. Xã hội ngày càng tốt đẹp, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, hoạt động của các doanh nghiệp mỗi năm thuận lợi hơn một phần do sự nỗ lực cạnh tranh này.

Từ trước đến nay, người ta vẫn nghĩ rằng luật đi vào cuộc sống, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại đảo vế thành “phải đưa cuộc sống vào luật chứ không đưa luật vào cuộc sống”. Có nghĩa là các nhà làm chính sách không thể áp đặt bằng ý chí cá nhân, bằng lợi ích của ngành mình, hay bằng sự lobby để “bẻ gãy luật” mà phải bằng chính đòi hỏi thiết thực từ cuộc sống. Đòi hỏi thiết thực đó phải xuất phát từ hơi thở của cuộc sống, không phải từ trên trời. Nói như bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp không chỉ là nơi thực thi, mà còn phản biện, góp ý cho xây dựng chính sách, kể cả doanh nghiệp làm sai cũng là sự phản chiếu về chính sách.

Cho nên, chẳng những không nên giận cái gương mà cảm ơn cái gương, vì nó đã đã mang đến cho người soi một sự thật, một cơ hội và một quyết tâm để thay đổi. Cách thay đổi đầu tiên là rà soát lại từ chính cuộc sống, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Đừng làm chính sách bằng tư duy ban phát.

Lê Thanh Phong
Nguồn: Báo Điện tử Lao động