Chỉ số MEI 2014: Tính minh bạch bị xói mòn

MEI 2014 ghi nhận những nỗ lực của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong việc tạo ra chuyển biến cho ngành giao thông. Ảnh: Đức Nam

Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật của các bộ đã cải thiện, tuy nhiên, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những “mảng tối”, tính minh bạch đang bị xói mòn. Có ý kiến cho rằng, có thông tư bẻ gãy cả luật.

Tập đoàn lobby chính sách?

Tại hội thảo công bố MEI 2014 hôm qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên nhóm nghiên cứu MEI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: MEI 2014 là “tấm gương phản chiếu” về hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 bộ có liên quan tới doanh nghiệp (DN).

Theo nhóm nghiên cứu MEI 2014, tính minh bạch đang được cải thiện ở hoạt động công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nhưng lại kém đi trong soạn thảo văn bản. “Chỉ số về hiệu quả của soạn thảo văn bản pháp luật là chỉ số duy nhất giảm so với 2 năm trước. Đây là điểm tối rất đáng ngại và tính minh bạch đang bị xói mòn”, bà Trang nói.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp cho rằng, phải đưa cuộc sống vào luật, chứ không đưa luật vào cuộc sống. Theo bà, DN không chỉ là nơi thực thi, mà còn phản biện, góp ý cho xây dựng chính sách, kể cả những DN làm sai cũng là sự “phản chiếu” về chính sách. “Tôi có cảm giác hiện nay cơ quan quản lý đang xem DN là đối tượng thi hành chứ không phải là đối tác cùng mình thi hành luật đó cho tốt”- bà Lan nói.

Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,  có hiện tượng bộ, ngành nào xây dựng chính sách thì bảo vệ lợi ích cho ngành đó. Như vừa rồi có thông tư “cộng điểm” thi đại học cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Tôi không biết các cụ có đi thi đại học hay không và khi làm thông tư đó có lấy ý kiến các cụ không. Với các cụ, nên tập trung vào chính sách về chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng”, bà Nga nêu rõ.

Bà Nga cho biết, khi một chính sách đưa ra gặp sai sót, các cơ quan thường đổ lỗi cho “văn thư”, “đánh máy”… là khó chấp nhận, thay vào đó, phải truy trách nhiệm. Chẳng hạn, ai là người đưa ra quy định “cộng điểm” trên? Từ chuyên viên, trưởng phòng… rồi đến bộ trưởng, phải có hồ sơ để lại, phải làm rõ trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, Chính phủ phải có “thái độ” với các bộ từ kết quả nghiên cứu trên. “Tập đoàn lớn họ có thể lobby chính sách, nên có những thông tư bẻ gãy cả Luật. Có lãnh đạo bộ sau khi nghe ý kiến góp ý của đại diện DN, vì không đồng tình nên bảo anh muốn cắp cặp đi đâu thì tùy anh đi… Chúng tôi cần sự cầu thị, lắng nghe DN của các bộ”, ông Đệ kiến nghị.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, nhiều lãnh đạo các địa phương thường than phiền với ông: “Chúng tôi có đẻ ra được các thủ tục đâu! Những thủ tục cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN  nằm ở chính các văn bản do cấp trên ban hành đấy chứ!”. Than phiền của các địa phương là có lý. Thực tế, để rút từ 873 giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội còn 168 giờ của năm nay (theo kịp mức ASEAN 6), là do sửa 5 luật thuế (cắt giảm được 80 giờ), sửa 4 nghị định (giảm được 88,36 giờ). Riêng sửa 7 thông tư của Bộ Tài chính đã cắt giảm được 201,5 giờ… Hay, việc sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, có thể xóa bỏ ít nhất gần 3.000 thủ tục nằm rải rác trong các thông tư trái thẩm quyền của các bộ, ngành.

Theo ông Lộc, khâu xây dựng pháp luật còn chưa làm hài lòng DN, nghĩa là quá trình này chưa minh bạch, việc tham vấn ý kiến DN và đối tượng thi hành của một số bộ ngành còn “chiếu lệ”, “qua loa”…. “Nhiều văn bản ban hành thiếu hơi thở cuộc sống, có văn bản vừa thông qua đã phải chỉnh sửa ngay và quá nhiều minh chứng cho sự quan liêu này”, ông Lộc nói.

Chất lượng văn bản vẫn kém

MEI 2014 có 18 chỉ tiêu nhỏ, phân bổ vào 5 bộ chỉ số: Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng văn bản; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. MEI 2014 có kết quả phản hồi kỷ lục từ trước tới nay, từ  228 hiệp hội DN (chiếm gần 60% hiệp hội đang hoạt động tại Việt Nam), đại diện cho trên 410 nghìn DN.

MEI 2014 ghi nhận những “điểm sáng”, “hy vọng”  khi có 4/5 chỉ số của MEI 2014 tăng điểm so lần trước đó, với mức tăng trung bình 10%. MEI 2014 đã “chuyển động”, không còn tình trạng “dàn hàng ngang” và “trung bình đều” về điểm số giữa các bộ, giữa các chỉ số trong cùng một bộ như hai năm trước.

Theo nghiên cứu, năm 2014 là năm nỗ lực cải cách của bộ, nên chỉ số “thi hành pháp luật” vượt lên các bộ chỉ số khác. Bộ GTVT được xem là “ngôi sao” khi đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số về hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật và dẫn đầu về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012.

“Năm 2012, gần như Bộ GTVT đứng ở hạng cuối ở các bộ chỉ số, nhưng 2 năm sau trở thành ngôi sao, là một trong 3 bộ đứng ở top đầu nhiều nhất trong các bộ chỉ số. Người đứng đầu bộ nào thể hiện quyết tâm, ở đó có chuyển biến”- bà Trang bình luận.

Tuy nhiên, một chỉ số quan trọng nhất là “soạn thảo văn bản” chưa có sự cải thiện. “Hai bộ là KH&ĐT, Tư pháp dù đứng đầu, nhưng lại giảm điểm so với chính họ so với MEI 2012. Hai bộ đứng cuối là VH-TT&DL và TT&TT”, bà Trang cho biết.

Bình luận về chỉ số MEI 2014, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, có 2 chỉ số rất kém là soạn thảo văn bản và chất lượng văn bản.

Kết quả hai bộ đứng đầu và cuối (theo thứ tự) trong 5 bộ chỉ số:

Hiệu quả soạn thảo văn bản: Bộ KH&ĐT- Bộ VH-TT&DL

Chất lượng văn bản: Bộ NN&PTNT – Bộ Y tế

Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật:
Bộ TT&TT- Bộ VH-TT&DL

Tổ chức thi hành pháp luật: Ngân hàng Nhà nước – Bộ TN&MT.

Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật: Bộ GTVT – Bộ Y tế.

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử