Các Bộ, ngành cần “soi” và “sửa mình”!

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 Bộ trong năm 2014 (MEI 2014). Theo đó, MEI 2014 có nhiều điểm sáng hơn MEI 2012, ngoại trừ chỉ số về hoạt động soạn thảo văn bản pháp luật.

 

Mục đích của việc khảo sát, công bố MEI nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc phát hiện những mặt được và chưa được của các cơ quan quản lý khi xây dựng khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp.

MEI 2014 đánh giá 14 Bộ theo 5 tiêu chí: soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.

So với năm 2012, MEI 2014 có nhiều điểm sáng, với mức tăng trung bình là 10%. 3/5 chỉ số có điểm trung bình khá: chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Riêng hiệu quả hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân của các bộ giảm đi so với năm 2012 (năm 2013 chỉ số MEI bị gián đoạn). Kết quả của MEI 2014 dựa trên sự phản hồi của các Hiệp hội doanh nghiệp trung ương và địa phương.

Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề “khó” và “phức tạp”, không chỉ năm 2014. Và không phải bỗng nhiên khi trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 11/6/2014 về công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lại thừa nhận một thực tế: hệ thống pháp luật của ta hiện phức tạp với nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là đến Chủ tịch UBND xã.

Cái khó nhất của việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp, Luật; không tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền mà đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp; không cài cắm lợi ích nhóm; v.v …

Vì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề “khó” và “phức tạp”, nên không ít Bộ, ngành vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Hẳn dư luận sẽ “giật mình” về con số mà thành viên ban tư vấn MEI công bố: Năm 2014, các Bộ, ngành ban hành 111 văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ có 18,75% số văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với các Luật, Pháp lệnh; 70% số văn bản quy phạm pháp luật chậm chưa ban hành. Số văn bản hướng dẫn phải ban hành nhưng chậm trên 6 tháng là 26%, và có tới 5% số văn bản chậm trên 2 năm.

Việc nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật không chỉ làm cho Luật, Nghị định bị “treo” mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/6, với rất nhiều điểm mới và tiến bộ. Với hành lang pháp lý mới, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng góp phần làm cho MEI những năm sau có nhiều điểm sáng hơn nữa.

MEI không phải là “chìa khóa vạn năng” để đánh giá toàn bộ hoạt động của Bộ, ngành, nhưng nó là kênh thông tin, là hoạt động giám sát quan trọng giúp các Bộ, ngành “soi” và “sửa mình” để nỗ lực, quyết liệt hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển…/.

Đăng Dương

Nguồn: CPV