VCCI công bố MEI 2011: Đến lượt các bộ bị doanh nghiệp “soi”
Hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ chỉ vào mức “tầm tầm”. Đây là cảm nhận của các DN cả nước thông qua chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (Ministerial Effectiveness Index – gọi tắt là MEI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố sáng 28.12 tại Hà Nội.

Một điều đáng lo ngại là công tác lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bị các DN đánh giá là quá yếu…

Kém nghe dân sửa luật

Ngày 28.12, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã tiếp tục công bố chỉ số MEI 2011 đánh giá về hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 bộ. Đây là lần đầu tiên VN có một điều tra độc lập tổng hợp đánh giá của các DN về việc xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh của các bộ quản lý nhà nước. Như vậy là sau các tỉnh thì đến lượt các bộ bị DN “soi”.

Kết quả MEI 2011 cho thấy, hoạt động của các bộ trong lĩnh vực này vào loại thường thường bậc trung, sàn sàn như nhau và không có bộ xếp hạng khá, tốt và cũng không có bộ quá yếu kém. Đứng đầu là Bộ Tư pháp đạt 59,01 điểm, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp cuối cùng, song cũng với số điểm lần lượt là 51,93 và 51,37 – không kém bộ đứng đầu là mấy. Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội – cho rằng: Qua MEI có thể thấy công tác xây dựng luật của Quốc hội cũng chỉ ở mức độ bình bình tầm trung, vì hầu hết luật do các bộ soạn thảo. Quốc hội vẫn chỉ ban hành luật. Luật còn chờ nghị định, thông tư có khi đến vài năm. Đây là một hạn chế cần sửa chữa.

Điều đáng lo ngại là công tác lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trong quá trình soạn thảo VBQPPL của cả 14 bộ đều bị xếp hạng dưới trung bình. Ông Nguyễn Văn Nghi – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh – nêu thực trạng: Các DN có góp ý với ban soạn thảo, nhưng khi VBQPPL ban hành thì chẳng thấy tiếp thu, vẫn bất cập và không tháo gỡ được khó khăn cho DN. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng tình với quan điểm này khi phân tích: Các cơ quan nhà nước, tổ chức lấy ý kiến thì có, nhưng tiếp thu thì không, mang nặng tính hình thức. Vì thế luật vẫn hạn chế, chưa thực sự tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lại nêu ra ví dụ trái ngược về độ bất hợp tác của các DN khi bộ này mời góp ý kiến cho dự thảo pháp lệnh hợp nhất VBPL. Bởi sau 2 tháng mời gọi mà chẳng được một ý kiến nào.

MEI – thước đo tín nhiệm các bộ?

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của VCCI cũng như các bên liên quan trong việc điều tra và công bố bộ chỉ số MEI, giúp Chính phủ, các bộ và cộng đồng có được một cái nhìn tổng thể về hiệu quả xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh, song nhiều ý kiến cũng chỉ ra những hạn chế và đề nghị được bổ sung. Giáo sư – tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT – cho rằng, MEI cần có những chỉ tiêu điều tra khách quan dựa trên những số liệu thống kê theo tỉ lệ 50/50 thay vì tới 95% là các chỉ tiêu về cảm nhận chủ quan của DN. “Nếu căn cứ trên những chỉ tiêu định lượng có tính chất khách quan, chỉ số của MEI sẽ có giá trị sát thực hơn, thậm chí có thể lấy làm một trong những tiêu chí tín nhiệm về mức độ hài lòng của cộng đồng với các bộ khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các bộ” – ông Võ gợi ý.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan cũng chỉ ra những tiêu chuẩn định lượng đánh giá hiệu quả việc xây dựng và thực thi pháp luật như việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến khi xây dựng các dự thảo các VBPL hay việc giám sát các VBPL được thực thi ra sao… MEI cần được bổ sung và điều tra dựa trên những chỉ tiêu khách quan để có tính khoa học hơn. Tuy nhiên, bà Chi Lan cũng cho rằng: MEI đã cho thấy việc các bộ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của chất lượng thể chế, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển. Đây cũng là một kênh để Chính phủ có cái nhìn rõ ràng về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng phát triển kinh tế – xã hội được xác định là một trong 3 nhiệm vụ đột phá.

MEI 2011 được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2353/VPCP – ngày 18.4.2011 về thực hiện đánh giá thường niên hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ. MEI 2011 nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về đánh giá của các DN với công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 bộ liên quan. Bộ chỉ số MEI 2011 được điều tra độc lập và tổng hợp khách quan từ đánh giá  của 207 hiệp hội DN cấp trung ương và cấp tỉnh đại diện cho 419.000 DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong cả nước về 6 chỉ số thành phần và 15 chỉ tiêu. Dựa vào kết quả MEI 2011 Chính phủ, các bộ và cộng đồng có thể nhận biết một cách đầy đủ, hệ thống hơn thực trạng về hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh (từ soạn thảo đến thi hành) của các bộ.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Bích Liên