MEI 2014: DN đo hiệu quả hoạt động của 14 bộ, ngành

Lễ công bố chỉ số MEI 2014, sáng 22/6. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Sự cải thiện đáng kể của Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành năm 2014 (Ministerial Efficiency Index – MEI 2014) thể hiện ở chỗ “hội chứng trung bình”, làm vừa đủ đã không còn nữa. Tất cả các bộ, ngành đều bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách có hiệu quả hơn.

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố chỉ số MEI 2014.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đại diện nhóm khảo sát cho biết: MEI 2014 tiến hành đánh giá 14 bộ, ngành liên quan nhiều đến hoạt động DN dựa trên phản hồi điều tra của 228 Hiệp hội DN cấp Trung ương và cấp tỉnh, đại diện cho 409.591 DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc.

Không còn trung bình,  dàn hàng ngang

Kết quả cho thấy, 4 trong 5 chỉ số của MEI 2014 đã tăng điểm so với MEI 2012, với mức tăng trung bình là 10%. 3 trong số 5 chỉ số có điểm trung bình khá, đặc biệt có 1 chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đã đạt mức điểm khá: 70,46/100 điểm. Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải, cho dù chỉ đứng hạng nhất ở một chỉ số , có mức điểm trung bình ở một số chỉ số khác, nhưng đã có sự ghi nhận tiến bộ ở tất các chỉ số, với mức cải thiện điểm số trung bình cao gấp đôi mức cải thiện điểm số trung bình của các bộ và cao gấp 4 lần mức cải thiện điểm số của bộ cải thiện chậm nhất.

Tuy nhiên, chỉ số về hiệu quả số hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lại có điểm số dưới trung bình của một số bộ (VHTT&DL, Thông tin và Truyền thông) cho thấy yêu cầu phải tăng cường tính minh bạch, cầu thị, hạn chế khép kín với cộng đồng DN và xã hội.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: So với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về một Chính phủ hiệu quả thì vẫn còn một khoảng cách xa. Đặc biệt, phát hiện rất quan trọng mà báo cáo nghiên cứu chỉ ra là mảng tối nhất trong MEI 2014 là hoạt động soạn thảo văn bản pháp luật trong khi mảng tổ chức thực thi lại được đánh giá cao.

Ông Lộc tỏ ra bất ngờ: Lâu nay chúng ta vẫn tin rằng pháp luật, chính sách tốt mà thực hiện tồi… nhưng phát hiện của báo cáo lại hoàn toàn có lý. Vì thực tế cộng đồng DN kỳ vọng vào việc xây dựng thể chế chính sách, thiết lập hệ thống.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xây dựng pháp luật phải có tham vấn, thu thập ý kiến từ DN và đối tượng thi hành của một số bộ, ngành cần phải thực chất hơn, không được làm kiểu chiếu lệ, qua loa… Việc xây dựng các văn bản cần phải có lộ trình nhanh hơn, phải phản ánh được hơi thở và đáp ứng được yêu cầu  của cuộc sống

Dù vậy, sự cải thiện đáng kể của MEI 2014 so với năm 2012, 2013 thể hiện ở chỗ “hội chứng trung bình”, làm vừa đủ  đã không còn nữa. Tất cả các bộ, ngành đều bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách có hiệu quả hơn. Điểm số ở mức trung bình khá và khá của các bộ, ngành đã tăng lên theo cảm nhận của DN.

“Hội chứng dàn hàng ngang” cũng đã bị phá vỡ khi ở một vài chỉ tiêu đã bắt đầu có sự bứt phá  ở một số bộ, ngành, bước đầu tạo ra một số thực tiễn tốt có thể tham khảo, nhân rộng.

Kỳ vọng hiệu quả lan tỏa từ MEI và PCI

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định có một xu hướng thể hiện sự liên kết tương hỗ giữa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số MEI.

Theo đó, cải cách ở các địa phương đang chựng lại, đặc biệt là ở nhóm địa phương dẫn đầu do những hạn chế về thể chế và khung khổ chính sách lớn hơn từ cấp Trung ương.

“Lãnh đạo các địa phương thường than phiền với tôi rằng: Chúng tôi có ‘đẻ’ ra các thủ tục đâu. Những thủ tục cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nằm ở chính các văn bản do cấp trên ban hành…”, ông Lộc chia sẻ.

Vì vậy, những tháo gỡ từ phía các bộ, ngành như sửa đổi rút ngắn quy định để giảm số giờ nộp thuế, xóa bỏ hàng nghìn thủ tục liên quan đến thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN… cho thấy nhu cầu đột phá mới về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải bắt đầu từ cấp Trung ương đã từng bước được đáp ứng và được ghi nhận thông qua chỉ số MEI.

“Việc công bố chỉ số MEI hằng năm đi cùng với kỳ vọng giúp các chủ thể liên quan có các biện pháp thích hợp nhằm tiếp tục phát huy những mặt tích cực, cải thiện những khía cạnh còn hạn chế trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ, góp phần cùng Nhà nước và xã hội xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp theo mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ, đó là đẩy mạnh cải cách, đáp ứng sự kỳ vọng của  cộng đồng DN và người dân” ông Lộc nói.

Huy Thắng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ