Dự thảo bộ chỉ số và phiếu khảo sát MEI 2011
Bộ chỉ số MEI 2011 là tập hợp các nội dung cơ bản của quá trình xây dựng và thi hành pháp luật về doanh nghiệp của các Bộ hiện nay, được sử dụng làm cơ sở để khảo sát và đánh giá về các hoạt động này của các Bộ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2353/VPCP-PL ngày 18/4/2011 về việc sẽ thực hiện Báo cáo thường niên đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp của các Bộ, với mục tiêu tìm hiểu xem trong khung khổ pháp luật chính sách và thực tiễn hiện tại các Bộ làm tốt đến đâu, còn vấn đề gì cần khắc phục hoặc những khía cạnh có thể cải thiện để tốt hơn nữa.
Hiện tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Bộ chỉ số và Phiếu khảo sát đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp của 14 Bộ qua cảm nhận của các hiệp hội doanh nghiệp (gọi tắt là inisterial Effectiveness Index – MEI 2011).
Về Dự thảo này, chúng tôi có một số ý kiến cụ thể sau đây:
1. Về Bộ Chỉ số MEI 2011
Bộ chỉ số MEI 2011 là tập hợp các nội dung cơ bản của quá trình xây dựng và thi hành pháp luật về doanh nghiệp của các Bộ hiện nay, được sử dụng làm cơ sở để khảo sát và đánh giá về các hoạt động này của các Bộ.
Bộ chỉ số này gồm:
– 02 Chỉ số: (A) Xây dựng pháp luật và (B) Thi hành pháp luật;
– Mỗi Chỉ số bao gồm 03 Chỉ số thành phần: A1, A2, A3, B1, B2, B3
– Mỗi Chỉ số thành phần bao gồm một hoặc một số tiêu chí (được đánh mã số, in thường). cụ thể:
Chỉ số/Chỉ số thành phần/Tiêu chí – Điểm tối đa
A Xây dựng pháp luật (50)
A1 Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (10)

A1.1. Sự cần thiết của văn bản quy phạm pháp luật (5)

A1.2. Đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật (5)

A2 Lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (20)

A2.1. Cách thức lấy ý kiến (10)

A2.2. Thông tin phục vụ cho việc góp ý (5)

A2.3. Chất lượng của việc lấy ý kiến (5)

A3 Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (20)

A3.1. Tính minh bạch (5)

A3.2. Tính thống nhất-khả thi- công bằng (10)

A3.3. Tính hợp lý (5)

B Thi hành pháp luật (50)
B1 Công khai thông tin pháp luật (10)

B1.1. Cách thức công khai thông tin pháp luật (5)

B1.2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (5)

B2 Tổ chức thi hành pháp luật (30)

B2.1. Tổ chức triển khai thực hiện (20)

B2.2. Giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện (10)

B3 Rà soát quá trình thi hành pháp luật (10)

B3.1. Cách thức rà soát (5)

B3.2. Hiệu quả rà soát (5)

Quan sát các chỉ số trên, ta thấy:
Thứ nhất, về tổng thể, các chỉ số/chỉ số thành phần đưa ra là khá đầy đủ, hợp lý và bao quát được các khía cạnh cơ bản của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về doanh nghiệp của các Bộ.
Thứ hai, trong chỉ số A3. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nên bổ sung thêm các chỉ số thành phần cụ thể cần có, như :
– A3.4. Tính bao quát (chỉ sự đầy đủ, bao quát hết, toàn diện các khía cạnh, nội dung, tình huống và chi tiết có thể của các điều luật, quy định trong văn bản pháp quy…).
– A3.5. Tính cụ thể (chỉ sự cụ thể hóa các quy định, giảm thiểu các nguyên tắc chung chung trong văn bản pháp lý dễ gây tình trạng “Luật chờ Nghị định, còn Nghị định chờ Thông tư hướng dẫn” hoặc cảnh “trên thông, dưới tắc “, “trên mở, dưới thắt “ khi thi hành luật trong thực tế).
Thứ ba, trong chỉ số B2.1. Tổ chức triển khai thực hiện, nên bổ sung và cụ thể hóa những chỉ số thành phần, như:
– B2.1.1. Quy trình thực hiện
– B2.1.2. Phối hợp thực hiện
– B2.1.3. Trách nhiệm thực hiện
– B2.1.4. Hiệu lực thực tế thực hiện
Thứ tư, đối với chỉ số B2.2. Giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh tên chỉ số này thành B2.2. Phát hiện và giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đề cao hơn vai trò chủ động và cơ chế hữu hiệu phát hiện các vướng mắc, bất cập và vấn đề mới phát sinh, từ đó giúp sớm hoàn thiện chính sách sau ban hành-điều mà hiện nay còn đang rất yếu trên thực tế, khiến nhiều luật đang bị lạc hậu, bị lạm dụng khai thác kẽ hở hoặc phát sinh các hệ quả mặt trái kéo dài, làm giảm hiệu quả thực tế, cũng như làm chậm trễ các phản ứng chính sách của Chính phủ trước thực tiễn cuộc sống biến đổi nhanh chóng.
Thứ năm, Điểm đánh giá (trọng số) cho các chỉ số, chỉ số thành phần về cơ bản là phù hợp, thể hiện đươc tính chất và tầm quan trọng của chúng. Tuy nhiên, cần khắc phục tính cứng nhắc và bình quân chủ nghĩa trong định bước điểm 5, cũng như tỷ lệ 50:50 như trong Dự thảo, cụ thể,:
– Cần điều chỉnh các trọng số điểm theo hướng tăng tỷ lệ 40:60 tương ứng cho 2 chỉ số A: B;
– Đồng thời, áp dụng linh hoạt hơn và cụ thể hóa các bước điểm (từ 1-5) cho các chỉ số thành phần đã được bổ sung như nêu trên
– Tập trung điểm cao hơn cho các chỉ số thành phần liên quan đến chất lượng văn bản luật, trách nhiệm, hiệu lực thực tế thi hành luật; sự chủ động phát hiện vướng mắc và hoàn thiện luật sau ban hành
2. Về Phiếu khảo sát
Nhìn chung, các câu hỏi trong Phiếu khảo sát khá rõ ràng, dễ hiểu và đơn giản, giúp tạo thông tin cần thiết để xây dựng các chỉ số trong Bộ Chỉ số MEI 2011.
Tuy nhiên, cần chú ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất, trong 10 câu hỏi đầu Tổng quan về hiệp hội được hỏi, cần thu gọn và bỏ bớt những câu hỏi quá sâu đến thân nhân Hiệp hội, nhất là những câu 6, 7, 9 có nội dung không gắn với thông tin cần có cho bộ chỉ số và dễ khiến các hiệp hội ngại hoặc khó trả lời; Đồng thời, bổ sung câu hỏi khai thác thông tin về sự quan tâm, năng lực và cơ chế hoạt động của Hiệp hội trong công tác thông tin, phản biện, tư vấn và cầu nối chính sách có liên quan đến doanh nghiệp
Hơn nữa, trong câu hỏi 10, nên ghép ý hỏi về mức độ biết tương đối với biết ít vào thành nhau để tránh sự mập mờ trong câu hỏi, cũng như tránh lúng túng cho người trả lời!
Thứ hai, thiết kế lại câu hỏi về A3.Chất lượng các văn bản pháp luật được ban hành theo hướng bao quát hơn các chỉ số thành phần chất lượng như đề nghị bổ sung nêu trên; đồng thời cho điểm theo bước điểm 1-5 cho từng ý hỏi và đơn vị được hỏi cụ thể, chứ không nên chia thành 3 mức đồng ý như Dự thảo đề nghị ở đầu trang 6.
Thứ hai, hơn nữa, trong 47 lĩnh vực được hỏi, nên rà soát và phân nhóm hợp lý, lôgich hơn; tránh sự trùng lặp hoặc lúng túng cho người trả lời, ví dụ:
– Nên bỏ mục 44.Chính sách tiền tệ, vì đã được cụ thể hóa trong 3 lĩnh vực 45. Tín dụng; 46.Thanh toán; Quản lý ngoại hối;
– Đồng thời, nên bổ sung lĩnh vực quan trọng với doanh nghiệp, như Bảo hiểm phi nhân thọ…
– Ngoài ra, nên cân nhắc mục 12.Doanh nghiệp, vì nó không tương thích hoặc đã được trả lời với các lĩnh vực khác, cũng như quá chung chung và gây khó cho người trả lời, hoặc dễ gây tình trạng trả lời kiểu gì cũng đúng hoặc sai khi liên tưởng thực tế. Còn nếu muốn giữ lại thì cần bổ sung gợi ý trả lời cho người được hỏi.
Thứ ba, nên bổ sung câu hỏi cụ thể hóa thông tin về tính hiệu lực pháp luật trên thực tế, cũng như sự chủ động phát hiện, cơ chế giải quyết nhanh các bất cập, vấn đề , vướng mắc trong thi hành pháp luật và công tác hoàn thiện luật sau ban hành của các bộ.
Thứ tư, ngoài ra, nên cân nhắc mở rộng đối tượng được hỏi ngoài các hiệp hội; Điều này là cần thiết để bảo đảm sự đánh giá chính xác và khách quan hơn đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật về doanh nghiệp của các bộ, do tính chất chưa phát triển và chất lượng còn nhiều hạn chế của các hiệp hội hiện nay ở Việt Nam.
TS.Nguyễn Minh Phong –Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Nguồn: Báo điện tử Tầm nhìn