Doanh nghiệp ít được tham vấn khi xây dựng pháp luật
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tổ chức lễ công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2011 (MEI).

 

MEI 2011 đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới doanh nghiệp (DN), dựa trên phản hồi điều tra của 207 hiệp hội DN, đại diện cho trên 419.000 DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong toàn quốc. “MEI 2011 cho thấy một bức tranh không tối nhưng cũng không sáng, với việc các bộ chỉ đạt mức trung bình, vừa đủ để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng còn khá xa về hiệu quả so với kỳ vọng của cộng đồng DN” – bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận xét.

Cụ thể, với tổng điểm 100, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng cũng chỉ đạt 59,01 điểm; đứng chót là Bộ TN&MT với 51,37 điểm; điểm trung bình của tất cả các bộ đạt 54,53 điểm.

Đáng chú ý, trong sáu chỉ số thành phần của MEI 2011 thì chỉ số hiệu quả hoạt động lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có điểm số thấp nhất. Các hiệp hội DN đánh giá các bộ thấp nhất ở việc “cung cấp các thông tin liên quan đến dự thảo văn bản QPPL cần lấy ý kiến”. Và ở chỉ tiêu “lấy ý kiến VCCI đối với các dự thảo văn bản QPPL liên quan đến DN”, có bốn bộ, ngành bị điểm 0 gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chỉ số này của MEI cũng chỉ đánh giá về cách các bộ thực hiện việc lấy ý kiến mà không đánh giá về chất lượng của việc tiếp thu các ý kiến này. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan lo ngại “sự tham vấn này mới chỉ thể hiện về mặt hình thức”. “Họ có thể được mời dự họp, đóng góp ý kiến nhưng việc có tiếp thu ý kiến đóng góp đó hay không lại là chuyện khác. Tôi vừa dự một cuộc họp ở TP.HCM, các ý kiến cũng nói rằng mời họp hành cũng nhiều nhưng tiếp thu thì rất ít. Các cơ quan nhà nước bị bệnh “điếc” khá nặng, ngồi đó nhưng không lắng nghe, không tiếp thu khiến hiệu quả của việc tham vấn giảm đi đáng kể” – bà Lan nói.

ĐỨC MINH
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM