Đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành luật của 14 Bộ
Phó ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, VCCI đang chủ trì xây dựng Bộ chỉ số và Phiếu khảo sát đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp của 14 Bộ thông qua cảm nhận của các Hiệp hội doanh nghiệp (gọi tắt là chỉ số MEI).

Bộ chỉ số MEI 2011 là tập hợp các nội dung cơ bản của quá trình xây dựng và thi hành pháp luật về doanh nghiệp của các Bộ hiện nay, được sử dụng làm cơ sở để khảo sát và đánh giá về các hoạt động này của các Bộ. Bộ chỉ số này gồm, 2 Chỉ số: (A) Xây dựng pháp luật và (B) Thi hành pháp luật. Mỗi Chỉ số bao gồm 3 Chỉ số thành phần, mỗi Chỉ số thành phần bao gồm một hoặc một số tiêu chí rõ ràng để chấm điểm các Bộ.

Theo nhóm soạn thảo, cách tính điểm trong bộ chỉ số MEI sẽ cân bằng cho 2 phần xây dựng và thực thi pháp luật. Mặc dù hầu hết các chuyên gia lại nghiêng về phần thực thi pháp luật “vì đây mới chính là điểm yếu của các Bộ thời gian vừa qua”. Song Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng, cần quan tâm hơn tới nhánh xây dựng pháp luật. “Khó nhất của ta hiện nay là tính cát cứ quyền lực của các Bộ. Đây là “bệnh” nghiêm trọng chưa chữa được. Bởi nếu luật đúng mới có thể dễ dàng đi vào cuộc sống” – ông Võ chứng minh.

Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam – cũng nhận thấy, cần quan tâm đến phần xây dựng pháp luật. Bởi trong khi, pháp luật qui định rất rõ về thủ tục lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo Luật để đảm bảo luật có “sức sống lâu dài trong đời sống” thì phần lớn các Bộ chỉ lấy ý kiến để đảm bảo thủ tục. Từ nguyên nhân sâu xa là “sự giằng xé về lợi ích” nên việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý với tinh thần thực sự cầu thị cho các dự thảo luật thì vẫn là chuyện “xưa nay hiếm” – ông Tiền nhận định.

Dự thảo về Bộ chỉ số MEI đã được VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến (ngày 22/6) để hoàn thiện nhằm “có một bức tranh tổng thể và lượng hóa ở mức độ có thể hiệu quả hoạt động pháp luật của các Bộ. Qua đó, tìm được các mô hình tốt của các Bộ để nhân rộng, cũng như xác định được những vấn đề còn tồn tại để tập trung giải quyết, cải thiện để có một môi trường thông thoáng thuận lợi cho các doanh nghiệp”.

H.Giang
Nguồn: Báo Điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh