Công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2011
Ngày 28/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2011 (Ministerial Effectiveness Index – MEI).
Báo cáo MEI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2353/VPCP-PL ngày 18/4/2011 về thực hiện đánh giá thường niên hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ, hướng tới hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh Việt Nam.Tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, bản báo cáo MEI 2011 đã đưa ra một bức tranh khá tổng thể về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 Bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới các doanh nghiêp dựa trên phản hồi điều tra của 207 Hiệp hội doanh nghiệp cấp trung ương và cấp tỉnh, đại diện cho trên 419.000 doanh nghiệp tổ chức cá nhân kinh doanh trên toàn quốc.

Kết quả tổng hợp MEI 2011 cho thấy tất cả 14 Bộ đều có điểm tổng hợp nằm ở mức trung bình. Cụ thể, đạt điểm thấp nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 51,37 điểm/100 điểm; tiếp theo là Bộ Giao thông Vận tải với 51,93 điểm/100 điểm; Bộ Xây dựng với 52,1 điểm/100 điểm; Bộ Y tế với 52,22 điểm/100 điểm. Ở nửa trên của bảng xếp hạng, Bộ Tư pháp đạt điểm cao nhất là 59,01 điểm/100 điểm, tiếp theo là bộ Lao động – Thương binh và xã hội với số điểm là 58,51 điểm/100 điểm; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 56,59 điểm/100 điểm. Các Bộ còn lại có số điểm nằm giữa hai khoảng nói trên. Mức chênh lệch điểm số giữa Bộ có điểm cao nhất và Bộ có điểm thấp nhất chỉ là 7,64 điểm tính trên thang điểm 100.

Điểm số của các Bộ bám sát nhau ở tất cả các Chỉ số thành phần. Hai nhóm hoạt động các Bộ đạt điểm khá nhất là “xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” và “tổ chức thi hành pháp luật”. Hai nhóm hoạt động mà các Bộ bị chấm điểm hiệu quả thấp nhất là “lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật” và “rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật”.

Với kết quả này, MEI 2011 đưa ra một bức tranh toàn cảnh tuy không tối nhưng thiếu điểm sáng về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ, trong đó: về tổng thể, không có Bộ yếu kém nhưng cũng không có Bộ khá, tốt; giữa các Bộ với nhau, không có Bộ tụt hậu nhưng cũng không có Bộ nổi trội; giữa các nhóm hoạt động pháp luật của các Bộ, những việc khó hoặc được giám sát chặt chẽ không bị các Bộ bỏ qua nhưng những việc ít phức tạp hơn, đòi hỏi sự chủ động và thiện chí nhiều hơn của Bộ thì các Bộ lại buông lỏng.

Với đánh giá này, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận cố gắng của các Bộ trong việc thực hiện được vừa đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình, nhưng họ chưa nhìn thấy ở các Bộ những nỗ lực cần thiết để thực hiện các công việc của mình một cách hiệu quả.

MEI 2011 cho thấy, trong thời gian tới, để đáp ứng mong mỏi chính đáng của cộng đồng doanh nghiêp, cần rất nhiều nỗ lực cải cách từ tất cả các Bộ, ở tất cả các khía cạnh của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật. Những nỗ lực không chỉ trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn pháp luật mà còn cả những chuyển biến cơ bản trong quan điểm của các Bộ, đặc biệt về thực hành dân chủ, phối hợp công – tư cũng như hiệu quả thực chất trong các hoạt động này.

Bên cạnh đó, MEI cũng đưa ra những gợi ý có ý nghĩa về cách thức cải thiện hiệu quả hoạt động cho các Bộ ở từng công việc cụ thể./.

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam