Chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ chưa cao
“Chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật chung của 14 Bộ là chưa cao, trong đó hoạt động xây dựng pháp luật có chất lượng khá hơn so với hoạt đông thi hành pháp luật. Chất lượng hoạt động thi hành pháp luật chỉ ở mức trung bình”. Đó là đánh giá chung của các Hiệp hội DN trong báo cáo “Đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ liên quan đến DN”- vừa được VCCI công bố tại Hà Nội.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế VCCI, khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các Bộ liên quan đến DN (gọi tắt là LDEA- Legal Development and Enforcement Assessment) là nghiên cứu tổng hợp đánh giá của các hiệp hội DN về mức độ minh bạch và hiệu qủa của hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật của các bộ ở Việt Nam. LDEA được áp dụng cho hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật giai đoạn từ năm 2005 đến 2009.
LDEA 2010 được VCCI xây dựng nhằm thực hiện chức năng góp ý, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chính sách, pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện kế hoạch sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, đinh hướng đến năm 2020.LDEA đã khảo sát 124 hiệp hội, đạo diện khoảng 77.000 DN trên toàn quốc. Đây là các hiệp hội DN hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hiệp hội DN cấp tỉnh. 14 Bộ có liên quan nhiều nhất đến DN là: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ tài chính, Bộ Tài Nguyên và  Môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ văn hoá, thể thao và du lịch, Bộ xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước.

Bộ xây dựng và Bộ Y tế đứng cuối bảng

Theo báo cáo, đối với hoạt động xây dựng pháp luật, các hiệp hội đánh giá chất lượng hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật ở mức khá, tuy nhiên chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lại chỉ đạt mức trung bình. Đáng chú ý, Bộ xây dựng có kết quả xây dựng pháp luật thấp nhất trong số 14 Bộ liên quan đến DN.

Về chất lượng thi hành pháp luật, các hiệp hội đánh giá cao đối với một số hoạt động thi hành pháp luật cụ thể (đạt điểm cao nhất trong 4 chỉ tiêu được hỏi, bao gồm: hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật; đánh giá chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá khả năng tiếp cận thông tin pháp luật và đánh giá một số hoạt động thi hành pháp luật), trong khi tiếp cận thông tin pháp luật bị coi là có chất lượng kém nhất và ở mức tương đối thấp.

Về việc hoạt động giải quyết vướng mắc của DN, theo phản ánh của các hiệp hội, khi có khó khăn vướng mắc gửi tới, các Bộ ít khi phản hồi. Dưới 30% hiệp hội cho rằng, các khó khăn vướng mắc của mình được các Bộ trả lời, trong đó Bộ Y tế có mức thường xuyên trả lời thấp nhất là 9.76%. Nếu nhận được trả lời của các Bộ thì thời gian các hiệp hội phải chờ khá lâu. Khoảng 50% số hiệp hội cho rằng phải mất khoảng 1 tháng thì hiệp hội mới nhận được câu trả lời, thậm chí có trường hợp phải đến 2 năm. Khi được hỏi về sự hải lòng đối với các nội dung trả lời thì chỉ có khoảng ½ hiệp hội trả lời hài lòng với các nội dung trả lời. Tỷ lệ phản hồi của các Bộ càng thấp, thời gian trả lời càng lâu thì mức độ hài lòng của các hiệp hội vì thế mà giảm đi, đúng như những gì được thể hiện trong kết quả khảo sát, chỉ có 2 Bộ đạt được mức điểm trung bình (Bộ tài chính và bộ Công thương), còn lại là tương đối thấp.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết,  khó khăn lớn nhất của các hiệp hội hiện nay là khả năng tiếp cận thông tin, thể hiện ở cả 2 nội dung: tiếp cận các thông tin xây dựng pháp luật, các quy định pháp luật sau khi được ban hành. Các hiệp hội cho rằng họ gặp khó khăn nhất trong việc tiếp cận tới các thông tin xây dựng pháp luật để có thể tham gia góp ý, hoặc là không thể tiếp cận được tới các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc là không được mời tham gia góp ý đối với những dự thảo đó.

Cũng theo các hiệp hội, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không cao dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, thể hiện ở các khía cạnh như pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh, còn chồng chéo, mẫu thuẫn, pháp luật không rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội cho rằng việc xây dựng pháp luật hiện hành vẫn còn thiên về tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước mà chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các DN.

Các hoạt động thi hành pháp luật của các Bộ chưa tháo gỡ được khó khăn cho DN, hiệp hội. Theo các hiệp hội, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của các Bộ hiện nay vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thực tiễn hoạt động của DN. Nhiều bộ chậm giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát chưa hiệu quả dẫn đến tham nhũng và lãng phí; chế tài, mức xử phạt chưa cụ thể, khung áp dụng rộng dễ gây ra tình trạng thiếu thống nhất trong thực tế. Bên cạnh đó, các Bộ vẫn chưa có hướng dẫn kịp thời để bảo đảm việc áp dụng đồng bộ, thống nhất pháp luật tại các địa phương.

Nên coi hiệp hội là các đối tác

Để khắc phục các khó khăn trên, các hiệp hội đề xuất một số giải pháp, trong đó cần tăng cường chất lượng hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật của các Bộ. Có 3 vấn đề được các Hiệp hội kiến nghị nhiều nhất là: các Bộ nên coi các hiệp hội là những đối tác, là kênh góp ý và phản biện chính sách, cần có cơ chế lấy ý kiến thường xuyên, cụ thể, đa dạng và thuận tiện đối với các hiệp hội, đặc biệt là các cuộc đối thoại, góp ý xây dựng pháp luật giữa các Bộ và hiệp hội. Các Bộ cũng cần dành thời gian hợp lý đủ để các hiệp hội góp ý hoặc tổ chức cho các DN hội viên góp ý, cần có cơ chế phản hồi kịp thời, rõ ràng để các hiệp hội nói riêng và người dân nói chung biết được quan điểm cũng như mức độ cầu thị của các Bộ đối với ý kiến góp ý.

Ngoài ra, các hiệp hội cho rằng các Bộ cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ. Các quy định pháp luật cần rõ ràng, dễ hiểu, đồng thời đảm bảo sự chặt chẽ, tránh việc lách luật; các quy định pháp luật cần khả thi và phù hợp với thực tiễn, cần rà soát, điều chỉnh và sửa đổi kịp thời những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Các quy định về chế tài cần rõ ràng, cụ thể và thu hẹp khung xử phạt trong các văn bản quy phạm pháp luật để tránh việc nhũng nhiễu hoặc lạm dụng trong xử lý vi phạm. Đặc biệt, các quy định về thủ tục hành chính cần được rà soát theo hướng tinh giản, minh bạch để đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của DN được tiến hành một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng hoạt động thi hành pháp luật của các Bộ. Các Bộ cần xây dựng những chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng và hiệu quả, nội dung rõ ràng, hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao ý thức pháp luật cho DN, người dân; tiến hành hoạt động giám sát thường xuyên hơn để kịp thời xử lý các vi phạm và việc xử lý vi phạm nên được thực hiện một cách dứt khoát và nghiêm minh. Đặc biệt, cần tổng kết, đánh giá thường xuyên hoạt động thi hành pháp luật của mình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quỳnh Chi
Nguồn: www.vccinews.vn