Chấm điểm các bộ
Lần đầu tiên ở nước ta, khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp (Legal Development and Enforcement Assessment-LDEA) được tiến hành nhằm đánh giá mức độ minh bạch và tính hiệu quả trong hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật của các bộ. Thông qua các cuộc khảo sát đối với 124 hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước đại diện cho khoảng 77.000 doanh nghiệp, LDEA 2010 (áp dụng cho hoạt động xây dựng và thi hành luật giai đoạn 2005-2009) phản ánh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng của các hoạt động này của các bộ có liên quan nhất tới doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan thực hiện LDEA, đề ra hai nhiệm vụ chính khi thực hiện báo cáo này. Thứ nhất, xây dựng phiếu khảo sát bao gồm những chỉ số, chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật của các bộ liên quan tới doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng phương pháp đánh giá nhằm phản ánh một cách khách quan nhất các kết quả trả lời từ phía các hiệp hội doanh nghiệp. Từ đó, có thể định lượng được các kết quả trả lời thành các thang điểm cụ thể cho từng chỉ tiêu, chỉ số. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là kết quả của LDEA sẽ giúp mỗi bộ hiểu rõ hơn thành công và hạn chế của mình nhằm dần hoàn thiện chất lượng của hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật qua đó tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Một báo cáo có cơ sở khoa học

Theo nhận xét của Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, LDEA là một báo cáo có cơ sở khoa học. Trước hết, nó được triển khai nghiên cứu với mục tiêu rõ ràng, minh bạch dựa trên cơ sở pháp lý đầy đủ và chặt chẽ. Thật vậy, mục tiêu của LDEA 2010 được VCCI đặt ra ngay từ đầu quá trình xây dựng là nhằm thực hiện chức năng góp ý, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chính sách, pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện kế hoạch sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020.

Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, một ưu điểm của LDEA là nó được tiến hành trên cơ sở pháp lý đầy đủ và chặt chẽ, cụ thể là Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 5/3/2009; Nghị quyết 48-NQ-TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 900/UBTVQH ngày 21/2/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Tất cả những yếu tố trên được giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận là hết sức cần thiết để có thể xây dựng một báo cáo khách quan và độc lập đụng chạm tới một lĩnh vực rất mới và có tính nhạy cảm cao trong bối cảnh Việt Nam – đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp.

Tiếp theo, có thể thấy LDEA chọn đúng đối tượng khảo sát và đối tượng được đánh giá. Luật gia Vũ Xuân Tiền trong phần trình bày tại hội thảo công bố LDEA giai đoạn từ 2005-2009 diễn ra tại Hà Nội ngày 8/9 cho rằng, việc LDEA lựa chọn tất cả các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc và ở cấp tỉnh là phù hợp. Lý do là theo thông lệ quốc tế và Việt Nam hiện nay, hiệp hội doanh nghiệp là nơi tập trung những phản ánh và kiến nghị chính đáng của các doanh nghiệp nhằm lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo thống kê từ nhóm nghiên cứu, họ đã nhận được 124/300 phiếu khảo sát phản hồi với tỷ lệ 41%, được coi là một tỷ lệ phản hồi cao theo nguyên lý thống kê. Tỷ lệ này chứng tỏ báo cáo được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng về tính nghiêm túc của nó.

Ngoài ra, tính khoa học của báo cáo này còn thể hiện ở đối tượng đánh giá mà nó hướng tới. Bảng 1.1 của LDEA 2010 liệt kê danh sách 14 bộ được chọn đánh giá, bao gồm hầu hết các bộ quan trọng có liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp: Công Thương; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin Truyền thông; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Y tế; và Ngân hàng Nhà nước.

Nhìn chung, hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của cả 14 bộ này đều ít nhiều có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn tại sao có những bộ mà chất lượng hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của nó có tác động mạnh mẽ đến một doanh nghiệp lại không thấy nhóm nghiên cứu đưa vào danh sách đối tượng nghiên cứu, chẳng hạn Bộ Công an?

Chấm điểm các Bộ

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp tiến hành khảo sát thông qua bốn bước. Trước hết họ xây dựng phiếu khảo sát, gửi và nhận phiếu. Sau đó, nhóm tiến hành chuẩn hóa thang điểm 10 cho từng nội dung, yếu tố và chỉ tiêu phụ. Bước tiếp theo là xây dựng điểm chỉ tiêu, chỉ số và LDEA theo trọng số. Cuối cùng, đánh giá so sánh các chỉ tiêu, chỉ số của các bộ. Trong thang điểm của LDEA, từ 8 điểm trở lên được xếp vào loại “Rất tốt”, từ 7 điểm đến cận 8 là “Tốt”, từ 6-cận 7: “Khá”, từ 5-cận 6: “Trung bình”, từ 4-cận 5: “Tương đối thấp”, từ 3-cận 4: “Thấp” và cuối cùng, dưới 3 là “Rất thấp”.

Đáng lưu ý trong các bộ chỉ số, thì chỉ số Xây dựng pháp luật được đánh giá tương đối tốt. Theo nhận định của các hiệp hội thì hoạt động lấy ý kiến xây dựng pháp luật của các bộ hiện nay, cụ thể là mức độ công khai lấy ý kiến xây dựng pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được các hiệp hội doanh nghiệp chấm điểm khá cao. Cụ thể, nhóm Tốt gồm có các bộ Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; và Tài chính. Các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Lao động, Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước… được xếp loại Khá. Trong khi đó, hai bộ Xây dựng và Y tế rơi vào nhóm Trung bình.

Một điểm cần chú ý là hầu hết kết luận của LDEA về chỉ số này đều trùng hợp với ý kiến nhận định của nhiều doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, xét về mức độ cầu thị thì các bộ không được giới doanh nghiệp đánh giá cao, không có bộ nào được xếp loại tốt mà đa số chỉ xếp loại khá hoặc trung bình. Bộ Công Thương được điểm cao nhất nhưng cũng chỉ đạt 6,67/10 còn đội sổ là Bộ Y tế chỉ được 3,13/10 điểm.

Luật gia Vũ Xuân Tiền nhận định về vấn đề này: “Điều đó đã phản ánh hoàn toàn đúng một sự thật là, hiện nay phần lớn các bộ chỉ lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật để đảm bảo thủ tục, còn việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý với tinh thần thực sự cầu thị thì vẫn là chuyện “xưa nay hiếm”. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự giằng xé về lợi ích. Ông lý giải: “Tiếp thu ý kiến góp ý tức là hy sinh lợi ích của bộ và ngược lại. Vì vậy, rất ít ý kiến góp ý xây dựng pháp luật được tiếp thu cũng là điều dễ hiểu”.

Ta xét tiếp một ví dụ khác. Về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, LDEA đưa ra đánh giá là đa số các bộ chỉ đạt loại khá và trung bình. Trong đó, các bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải và Xây dựng bị xếp loại chất lượng thấp. Và chính kết quả này cũng trùng với nhận xét của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia. Trên thực tế, theo ông Tiền, hiện nay không ít nghị định của Chính phủ do các bộ nêu trên chủ trì soạn thảo nhưng chưa triển khai thì đã bị vướng mắc. Nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện do các bộ này ban hành cũng thiếu tính khả thi.

 

Trên cơ sở tổng hợp chỉ số thành phần, kết quả tổng thể chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật của các bộ được đánh giá như sau.

*Nhóm Khá gồm các bộ: Công Thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Lao động, Thương binh và Xã hội.

*Nhóm Trung bình: Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải.

*Nhóm Tương đối thấp: Bộ Xây dựng và Y tế.

Nhìn tổng thể, theo đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp, chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật chung của 14 bộ được chấm điểm là không cao. Hoạt động xây dựng pháp luật có chất lượng khá hơn so với hoạt động thi hành pháp luật (chất lượng chỉ ở mức trung bình). Điều này hoàn toàn trùng hợp với thực tế hiện nay khi nhiều luật được xây dựng khá đầy đủ và hoàn thiện song khi triển khai vào cuộc sống lại bị vướng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số kiến nghị từ doanh nghiệp

Các hiệp hội doanh nghiệp khi được nhóm nghiên cứu lấy ý kiến đều cho rằng những doanh nghiệp mà 124 hiệp hội này đại diện đang phải đối mặt với ba khó khăn chính. Đầu tiên là khả năng tiếp cận thông tin, thể hiện ở cả hai nội dung Tiếp cận các thông tin xây dựng pháp luật và Các quy định pháp luật sau khi được ban hành. Các hiệp hội nói rằng họ gặp khó khăn nhất trong việc tiếp cận tới các thông tin xây dựng pháp luật để có thể tham gia góp ý, hoặc là không thể tiếp cận được tới các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, hay không được mời tham gia góp ý đối với những dự thảo đó.

Thứ hai, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không cao dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, thể hiện ở các khía cạnh: pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh, còn chồng chéo, mâu thuẫn, luật không rõ ràng.

Cuối cùng, các hoạt động thực thi pháp luật của các bộ chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và hiệp hội. Cụ thể, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật của các bộ còn chậm, chưa theo kịp và đáp ứng được thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

 

Để giải quyết những khó khăn ấy, theo các hiệp hội thì các bộ nên coi hiệp hội là đối tác, kênh góp ý và phản biện chính sách. Ngoài ra, các bộ cần dành thời gian hợp lý đủ để các hiệp hội góp ý hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên góp ý. Một vấn đề không kém phần quan trọng là các bộ cần xây dựng cơ chế phản hồi kịp thời, rõ ràng để các hiệp hội cũng như người dân biết được quan điểm cũng như mức độ lắng nghe, cầu thị của các bộ với những góp ý đó.

Thực hiện tốt những vấn đề nêu trên với một tinh thần cầu thị thì các bộ có hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật liên quan tới doanh nghiệp sẽ thực sự là đối tác của doanh nghiệp.

Trung Thành
Nguồn: www.dautunuocngoai.vn