“Chấm điểm” các bộ ngành: Chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật chưa cao
Lần đầu tiên Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã công bố báo cáo đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp (LDEA). Không bộ nào được đánh giá 9 điểm và còn nhiều khâu rất yếu…

Theo báo cáo khảo sát 124 hiệp hội đại diện cho khoảng 77.000 doanh nghiệp trên cả nước do VCCI kết hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thực hiện, đã có 14 bộ được cộng đồng doanh nghiệp chọn để “chấm điểm” với hai chỉ số: xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Hai bộ Y tế và Xây dựng “đội sổ”

Theo báo cáo của VCCI, với chỉ số “xây dựng pháp luật”, giới doanh nghiệp đánh giá các bộ khá tốt. Cụ thể tại chỉ số này, chỉ tiêu lấy ý kiến góp ý khi xây dựng pháp luật của các bộ cho thấy các bộ đều đã có ý thức lấy ý kiến. Tuy nhiên, các hiệp hội đánh giá dù có hỏi ý kiến nhưng mức độ cầu thị của các bộ chưa cao, không bộ nào được xếp loại tốt, hầu hết chỉ ở mức khá và trung bình.

Với chỉ tiêu chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trên tiêu chí minh bạch, phù hợp, thống nhất và ổn định, các hiệp hội đánh giá các bộ thấp, hầu hết chỉ mức khá và trung bình, cao nhất chỉ 6,2 điểm và có tới 4 bộ điểm dưới 5.

 

Đáng lưu ý, nhóm trung bình lại bao gồm nhiều bộ quan trọng như Tài chính, Lao động – thương binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước và Công thương… Nhóm tương đối thấp vẫn có tên Bộ Y tế, bên cạnh đó còn các bộ Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, Giao thông vận tải…

 

Chấm điểm dựa trên 27 lĩnh vực, lĩnh vực đất đai bị đánh giá chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất với 4,06 điểm, tiếp theo là xây dựng, bất động sản, thuế, phí, lệ phí, đấu thầu…

Được cho điểm cao nhất trong “bảng xếp hạng cầu thị” của VCCI là Bộ Công thương với 63,01% người được hỏi hài lòng (tương đương 6,67 điểm), tiếp theo là Bộ Kế hoạch – đầu tư với 61,11% hài lòng (6,5 điểm), Bộ Tài chính 58,9% hài lòng (6,31 điểm)… Thấp nhất là Bộ Y tế với 23,6% hài lòng (chỉ được 3,1 điểm).

Đối với chỉ số “thi hành pháp luật”, báo cáo của VCCI nêu rõ khả năng tiếp cận thông tin từ các bộ là thấp nhất trong toàn bộ các chỉ tiêu. Đặc biệt, ở chỉ tiêu này, không bộ nào được xếp đến hạng trung bình. Được đánh giá cao nhất là Bộ Tài chính cũng chỉ có 4,94 điểm, sau đó là các bộ: Công thương, Kế hoạch – đầu tư… Thấp nhất là các bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, Y tế với điểm chỉ từ 3,75 trở xuống.

Báo cáo cũng cho thấy với các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, doanh nghiệp đáng ra được thông báo thì thực tế lại cực khó tiếp cận. Doanh nghiệp chấm điểm cao nhất cho Bộ Công thương nhưng số điểm cũng chỉ dừng lại ở 3,4%, thấp nhất là Bộ Xây dựng, Y tế, Ngân hàng Nhà nước với điểm chỉ từ 2,3-2,4.

Cần hành động…

Đại diện một số bộ có mặt tại buổi công bố như Bộ Công thương đã thể hiện sự đồng tình với cách đánh giá của VCCI, ông Trần Hữu Huỳnh, phó tổng thư ký VCCI, cho biết khi đi chấm điểm các bộ thực tế “cũng hơi run”, cho dù việc chấm điểm hoàn toàn dựa trên những căn cứ khoa học. Ông Huỳnh cho biết mục tiêu của việc chấm điểm là giúp các bộ có thêm thông tin đánh giá hoạt động của mình ngoài những đánh giá mang tính nội bộ.

“Có đánh giá bên ngoài sẽ tốt hơn, đây cũng là hình thức dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” – ông Huỳnh nói.

Cũng theo ông Trần Hữu Huỳnh, việc chấm điểm các bộ ngành ở khâu xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, không phải đánh giá chất lượng cạnh tranh của các bộ. “Khi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI, nhiều nơi phản ứng dữ dội. Song đến nay nhiều tỉnh đã lấy PCI làm thước đo để cố gắng cải cách, vươn lên”. Ông Huỳnh mong muốn qua chỉ số đánh giá LDEA, các bộ ngành sẽ nhìn lại mình, cùng cố gắng để cải thiện môi trường hoạt động cho doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI, đây là lần đầu tiên các hiệp hội được đánh giá chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ ngành. Chỉ số nào, thứ tự các bộ ra sao, theo ông Lộc, không quá quan trọng mà quan trọng nhất là sự kỳ vọng về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật sẽ tốt hơn.

Ông Trần Hữu Huỳnh khẳng định ngoài việc đánh giá các bộ, VCCI sẽ chuẩn bị mô hình đánh giá các hiệp hội để biết nơi nào mạnh, yếu nhằm hoàn thiện lẫn nhau, tránh chỉ ngồi góp ý, phán xét mà bản thân không thay đổi.

CẦM VĂN KÌNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ điện tử