Cần chấm dứt ngay việc tham vấn kiểu qua loa, chiếu lệ
Phát biểu tại Lễ công bố “Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ” – MEI 2014, ngày 22-6, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết:
Để rút 873 giờ nộp thuế và BHXH về 168 giờ của năm nay (theo kịp mức ASEAN 6), chỉ từ việc sửa năm luật thuế đã cắt giảm được 80 giờ, sửa bốn nghị định liên quan giảm được 88,36 giờ. Cùng đó sửa bảy thông tư của riêng Bộ Tài chính đã cắt giảm được 201,5 giờ…

Mặt khác, chỉ riêng việc sửa Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư năm 2014 đã có thể xóa bỏ ít nhất gần 3.000 thủ tục nằm rải rác trong các thông tư trái thẩm quyền của các bộ, ban ngành… Ông Lộc cho hay khi rà xét các quy định của toàn bộ hệ thống pháp luật kinh doanh, đặt trong hệ quy chiếu của ASEAN 4, ASEAN 6 và rộng ra là của các thực tiễn pháp luật kinh doanh tốt nhất trên thế giới mới thấy rằng: Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong kinh doanh của Việt Nam còn rất phức tạp.

Thừa nhận sự tiến bộ của các bộ trong lần đánh giá MEI này nhưng ông Lộc cũng cho rằng việc xây dựng pháp luật còn chưa làm hài lòng DN. Việc tham vấn và trưng thu ý kiến DN và đối tượng thi hành của một số bộ, ngành còn chiếu lệ, qua loa… Hệ quả là các văn bản này chưa phản ánh được hơi thở và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, có văn bản vừa thông qua đã phải chỉnh sửa ngay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng các bộ, ngành phải tạo ra khung khổ pháp luật để tạo ra sân chơi bình đẳng trong kinh doanh cho các DN. Để có những sáng kiến pháp luật tốt, bà Lan cho rằng các bộ, ngành nên tăng cường ý thức lắng nghe cuộc sống, DN và người dân. Đồng thời, không nên kéo dài quá trình lập pháp để tránh tình trạng nhiều luật khi ra đời không thể đi vào cuộc sống. Muốn vậy các bộ phải tham vấn một cách thực sự đối với DN, người dân chứ không phải tham vấn chỉ để theo đúng quy trình, quy định. “Hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải lắng nghe dân nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội” – bà Lan nói thế và đồng thời cho rằng các bộ cũng cần phải phối hợp trong việc sửa đổi và áp dụng những quy định tiến bộ, vì “nhiều khi một quy định pháp luật của một bộ không thể thực hiện được do các bộ khác không điều chỉnh các quyết định có liên quan”.

MEI 2014 đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của 14 bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới DN dựa trên phản hồi điều tra của 228 hiệp hội DN, đại diện cho 409.000 DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh toàn quốc.

MEI đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật của các bộ ở các chỉ số: Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chất lượng VBQPPL; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật và rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, kết quả MEI 2014 lần này là “tiếng nói đầy trách nhiệm của cộng đồng DN với Chính phủ trong những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chính cộng đồng DN”.

CHÂN LUẬN
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM