Các Bộ hết “dàn hàng ngang”, xuất hiện “ngôi sao” cải cách

LS Trần Hữu Huỳnh giới thiệu văn bản tập hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới các cơ quan nhà nước thông qua VCCI trong năm 2014.

Chỉ số MEI 2014 vừa được công bố chiều 22/6 cho thấy, hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh của các bộ nhìn chung đã bứt khỏi ngưỡng trung bình, trong khi Bộ GTVT được đánh giá là “ngôi sao” cải cách.

“Bức tranh sáng hơn, có điểm nhấn nhưng vẫn còn xa với kỳ vọng”, đó là đánh giá chung của nhóm nghiên cứu MEI– chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014.

Trong 5 chỉ số mà MEI khảo sát, gồm soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); chất lượng VBQPPL; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật, có tới 4 chỉ số tăng điểm so với năm khảo sát gần nhất (2012). Mức tăng trung bình lên tới 10%.

Hơn nữa, nếu năm 2012, điểm số của tất cả các chỉ số đều không vượt khỏi ngưỡng trung bình, thì tới 2014, có 3 trong số 5 chỉ số đã đạt điểm trung bình khá. Đặc biệt, lần đầu tiên, có 1 chỉ số đã đạt mức điểm khá.

“Sự tăng điểm này mang một hàm ý lạc quan, rằng các Bộ đã không còn chỉ thực hiện vừa đủ nghĩa vụ đặt ra (với điểm số ở các chỉ số luôn ở mức trung bình trong năm 2011-2012), mà bắt đầu đã có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn”, báo cáo nhóm nghiên cứu viết.

Một điểm đáng lưu ý khác, các lần khảo sát trước đây đều ghi nhận tình trạng “dàn hàng ngang”, “trung bình đều” về điểm số giữa các Bộ và các chỉ số trong một Bộ. Tình trạng này đã thay đổi trong  MEI 2014, với chiều hướng tổng thể là tích cực hơn. Có một số điểm đặc biệt sáng, sự bứt phá ngoạn mục.

Cụ thể, chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đã vượt lên, tăng thêm gần 26%, đạt 70,46 điểm trong thang điểm 100.

Từ góc độ các Bộ, sự tăng điểm ấn tượng nhất trong MEI 2014 thuộc về Bộ GTVT. Trong 5 chỉ số, Bộ này chỉ đứng đầu ở chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. Chưa hết, về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình, Bộ TVT đứng hạng nhất ở 3 trong số 5 chỉ số.

Tựu trung lại, trái với vị trí hầu như “đội sổ” ở mọi chỉ số của năm 2012, Bộ GTVT đã vào top đầu ở hầu hết chỉ số trong bảng xếp hạng 2014. “Ngôi sao cải cách” là danh hiệu mà nhiều ý kiến tại lễ công bố dành cho Bộ GTVT.

Các bộ xếp hạng cao nhất và thấp nhất về 5 chỉ số được thể hiện trong bảng dưới đây (MEI chỉ đưa ra đánh giá với 14 bộ có chức năng, nhiệm vụ gắn với doanh nghiệp ở 5 khía cạnh này):

Xếp hạng Soạn thảo VBQPPL Chất lượng VBQPPL Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Tổ chức thi hành pháp luật

Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật

1 KHĐT NNPTNT TTTT NHNN GTVT
2 Tư pháp KHĐT NNPTNT GTVT NHNN
3 NNPTNT GTVT Tư pháp Tư pháp Tư pháp
12 Y tế Xây dựng TNMT VHTTDL TNMT
13 TTTT TNMT Y tế Y tế Xây dựng
14 VHTTDL Y tế VHTTDL TNMT Y tế

Quyết liệt cải cách, nhất định được ghi nhận

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này của MEI là sự ghi nhận của các doanh nghiệp về hiệu quả ban đầu của các nỗ lực cải cách thể chế mà Chính phủ đã khởi xướng và triển khai mạnh mẽ trong năm 2014 ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, cùng với tất cả các bộ ngành liên quan.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét rằng đây là điều rất đáng mừng, trong bối cảnh cải cách ở các địa phương đang chững lại, do những hạn chế về thể chế và khung khổ chính sách lớn hơn từ cấp Trung ương.

“Lãnh đạo các địa phương thường than phiền với tôi rằng, “chúng tôi có đẻ ra được các thủ tục đâu! Những thủ tục cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nằm ở chính các văn bản do cấp trên ban hành đấy chứ!…”, ông Lộc kể lại với sự đồng tình dành cho địa phương.

Nhận thức rõ điều này, tại Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho VCCI nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm  của cộng đồng doanh nghiệp đối với các Bộ ngành. VCCI triển khai nghiên cứu, công bố chỉ số MEI năm nay là để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đó.

Cuộc khảo sát đã nhận được phản hồi từ 288 hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho hơn 400.000 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét rằng đây là một cột mốc mới trong việc tham gia xây dựng chính sách của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên nhóm nghiên cứu MEI, 2014 là năm mà Chính phủ thể hiện rõ nhất quyết tâm cải cách trong nhiều năm, từ Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP “nay đã rất nổi tiếng”, cho đến hàng loạt cuộc làm việc của Thủ tướng với các bộ ngành để đốc thúc cải cách hành chính và với các luật mới về đầu tư, kinh doanh được thông qua.

Bà Trang nhận xét, không phải ngẫu nhiên mà chỉ số tổ chức thi hành pháp luật bứt phá ấn tượng, đây là lĩnh vực được Chính phủ đốc thúc rất nhiều trong năm 2014. Về phía các bộ, Bộ GTVT là một minh chứng cho thấy, nơi nào quyết tâm cải cách, hành động quyết liệt thì kết quả sẽ được cải thiện.

Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, tại Bộ này, Bộ trưởng trực tiếp phụ trách xây dựng thể chế chính sách. Các cuộc họp về vấn đề này được tiến hành hàng tháng và do đích thân Bộ trưởng chủ trì, thủ trưởng các đơn vị đều phải có mặt, chỉ khi Bộ trưởng cho phép thì mới được cử cấp phó đi thay.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy 2 xu hướng trái ngược nhau về minh bạch. Nếu trong thi hành pháp luật, minh bạch đang được cải thiện với chỉ số công khai thông tin, tuyên tuyền và phổ biến pháp luật tăng điểm 16,55%, thì minh bạch lại đang xói mòn đi trong xây dựng pháp luật, khi “soạn thảo VBQPPL” là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân giảm so với MEI 2012 (4,16%).

Lý do rất dễ hiểu, theo nhóm nghiên cứu, là việc công khai văn bản sau khi đã ban hành thì dễ hơn nhiều so với việc lấy ý kiến khi soạn thảo. Các chuyên gia tại buổi công bố đều kỳ vọng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 22/6 sẽ tác động tích cực hơn tới vấn đề này. Bởi đây là lần đầu tiên Luật quy định vai trò của MTTQ Việt Nam và VCCI đối với việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng đây là một bước tiến lớn. Và với 400 hiệp hội ngành nghề, nếu các cơ quan nhà nước coi các hiệp hội là “đồng minh chiến lược”, cũng là lực lượng giám sát kiểm tra thì hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh thời gian tới nhất định sẽ tăng lên nhiều.

Hà Chính
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ